Trước thực trạng căn hộ chung cư liên tiếp tăng giá thời gian qua, nhiều người tìm mua nhà đã chuyển hướng sang các dự án nhà ở xã hội, vốn là phân khúc nhà ở có mức giá rẻ nhất trên thị trường. Tuy nhiên phân khúc này cũng đồng loạt tăng giá, nhiều người chấp nhận xuống tiền vì không có các lựa chọn tốt hơn.
Sau hơn một năm tìm mua nhà, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chung, hiện đang thuê trọ tại phố Cầu Am (Hà Đông, Hà Nội) mệt mỏi khi giá nhà liên tục tăng một cách chóng mặt. “Chỉ trong vòng vài tháng, vợ chồng tôi chóng mặt khi môi giới liên tục báo giá căn hộ tại các dự án mà 2 vợ chồng tìm mua tăng vài trăm triệu đồng mỗi căn. Thu nhập và tích lũy của vợ chồng tôi không chạy theo được đà tăng này”, anh Chung chia sẻ. Với tổng tài chính chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là vay mượn người thân, trước thực tế giá của căn hộ Hà Nội tăng chóng mặt, vợ chồng anh Chung nhận thấy giấc mơ an cư ở thủ đô rất khó thành hiện thực.
Tuy nhiên, hai vợ chồng không bỏ cuộc do lo sợ giá nhà sẽ tiếp tục tăng. Được người thân “mách nước”, anh Hưng và vợ chuyển sang tìm nhà ở xã hội. Thế nhưng, nhà ở xã hội cũng đã tăng giá mạnh. Một dự án nhà ở xã hội tại Hoài Đức mà hai vợ chồng tìm hiểu, các căn 2 ngủ 2 vệ sinh đang được chào bán từ 1,3-1,4 tỷ đồng/căn. Trong khi 2 năm trước, người bạn cùng công ty chị Xuân, vợ anh Hưng, mua căn diện tích tương đương, vị trí đẹp hơn ở cùng dự án, giá chỉ hơn 1 tỷ đồng/căn. Lo ngại giá tiếp tục tăng và cũng đã quá mệt mỏi với công cuộc tìm nhà, vợ chồng anh Hưng đã quyết định mua một căn hộ tại đây.
Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá nhà ở xã hội tại Hà Nội đã tăng mạnh trong biên độ thời gian từ 3 đến 5 năm. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội ở Kiến Hưng, nhiều năm trước, thời điểm mở bán có mức giá chỉ khoảng 14 triệu đồng/m2 thì hiện tại, giá bán đều ngoài 20 triệu đồng/m2. Cách đây khoảng 5 năm, dự án nhà ở xã hội The Vesta Phú Lãm có giá khoảng 15 triệu đồng/m2 thì hiện nay, giá giao dịch trung bình đạt khoảng 22-27 triệu đồng/m2. Dự án nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp giá cũng tăng từ 16-17 triệu đồng/m2 lên mức 23-27 triệu đồng/m2. Nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm cũng tăng từ 13-15 triệu đồng/m2, lên mức 28-30 triệu đồng/m2. Ngay đến cả chung cư Đại Thanh, từ mức giá mở bán hơn 10 triệu đồng/m2, dù chịu nhiều điều tiếng về vấn đề chất lượng nhưng giá hiện tại cũng đã ngoài 20 triệu đồng/m2.
Anh Vương Trung Hiếu, môi giới căn hộ chung cư tại Hoàng Mai cho biết, dù nhà ở xã hội cũng tăng giá mạnh nhưng do nền giá thấp hơn nên tổng giá thành vẫn chỉ bằng 2/3 so với dự án chung cư thương mại trên thị trường. Chính bởi vậy, thanh khoản của nhà ở xã hội vẫn tốt. “Một căn 2 ngủ 2 vệ sinh ở các dự án thương mại giá thấp nhất cũng phải khoảng 2,5 tỷ đồng nhưng với nhà ở xã hội, cùng diện tích, người mua chỉ cần bỏ ra số tiền dưới 2 tỷ đồng”, anh Hiếu nhấn mạnh.
Dù sở hữu hàng loạt nhược điểm như xa trung tâm, chất lượng xây dựng không tốt… nhưng trong bối cảnh “bão giá” chung cư, ưu điểm giá rẻ so với mặt bằng chung vẫn là điểm cộng lớn của nhà ở xã hội. Chị Phạm Thị Minh Ngọc, người vừa môi giới thành công 2 căn nhà ở xã hội ở Hà Đông và Long Biên chỉ trong 1 tuần cho biết, trước đây, khi nhắc đến nhà ở xã hội, rất nhiều khách hàng e ngại vấn đề chất lượng. Nhưng một số dự án đi vào vận hành trên 5 năm, chất lượng vẫn tốt nên nhiều khách hàng yên tâm xuống tiền. Một số dự án nhà ở xã hội xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn giao dịch được. “Nhu cầu nhà giá rẻ trên thị trường lớn đến mức, nhiều người mua không có tài chính tốt, họ buộc phải chấp nhận mua dự án xuống cấp, chất lượng không tốt chỉ vì mức giá rẻ”, chị Minh cho biết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét