Chương trình hành động phát triển nông nghiệp Phú Giáo và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái của huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) giai đoạn 2016-2021 là một hướng đi đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Chương trình này vừa tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai.
Thông tin Phú Giáo, Bình Dương
Trung tâm hành chính Phú Giáo tập trung đông dân cư
Phú Giáo là một huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km. Phía Đông giáp huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), phía Tây giáp huyện Bến Cát (Bình Dương), phía Nam giáp huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), phía Bắc giáp huyện Đồng Phú (Bình Phước).
Vùng đất có tên gọi Phú Giáo ngày nay là một nơi hoang vu thuộc xứ Đồng Nai. Trong suốt chặng đường lịch sử, tổ chức hành chính của huyện Phú Giáo thường xuyên có nhiều biến động. Cho đến ngày 20 tháng 8 năm 1999, Chính Phủ quyết định tái lập huyện Phú Giáo với diện tích tự nhiên 53,861 km2, dân số 58.505 người, với nhiều thành phần dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mường, Thái … đông nhất là dân tộc Khơme.
Dân số hiện tại tính đến bây giờ là 90.825 người trong đó thành thị chiếm 15.068 người còn và nông thôn chiếm 75.757 người. Mật độ dân số phân bố 167 người/km².
Tổng quan về nông nghiệp tại Phú Giáo’
Nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển mạnh
Thông tin
Với điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, nằm trên địa hình đồi thoải lượn sóng và các dải đất hẹp ven Sông Bé, đất có độ cao trung bình thấp và tương đối bằng phẳng. Đất Phú Giáo chủ yếu là đất bazan xám rất thích hợp cho các cây công nghiệp như: cao su, điều, tiêu và các loại cây ăn quả. Riêng dải đất ven Sông Bé là đất phù xa mới, trồng lúa và các loại rau đậu tốt. Khí hậu Phú Giáo ôn hòa, mỗi năm có 2 mùa, 6 tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) và 6 tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). Nhiệt độ trung bình tử 26°C đến 34°C. Lượng mưa trung bình trên địa bàn huyện là 1947,7 mm. Số ngày mưa trung bình là 163 ngày trong năm. Không khí có độ ẩm cao.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “Thời gian qua, trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Đảng bộ huyện Phú Giáo tiếp tục lãnh đạo thực hiện 3 chương trình đột phá, gồm: Phát huy tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ và phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Bình Dương; phát triển công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp Phú Giáo và chế biến nông sản, thực phẩm, gắn với phát triển dịch vụ, phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại…”.
Thống kế, số liệu
Nhìn chung, đất đai, khí hậu và sông suối của huyện Phú Giáo rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp và ngành này đang trở thành một thế mạnh của huyện. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 500 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tạo lợi thế đưa nền nông nghiệp Phú Giáo đi lên theo hướng sản xuất lớn.
Đến nay, toàn huyện hiện có 168 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 55 mô hình so với năm 2019; trong đó, có 120 mô hình trồng trọt và 48 mô hình chăn nuôi. Hiện tại trên địa bàn huyện đã có 27 tổ chức, cá nhân được vay vốn ưu đãi hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, với số tiền được vay trên 301 tỷ đồng và hiện đã giải ngân được trên 260 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,38%.
Nông nghiệp Phú Giáo phát triển mạnh
Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo tiếp tục phát triển đúng định hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Phú Giáo tăng bình quân 5,52%/năm.
Trên địa bàn huyện có tổng diện tích cây lâu năm đạt 37.614 ha (tăng bình quân hàng năm là 0,25%). Cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối. Cây cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt là các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, với diện tích khoảng 1.300 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 75 triệu đồng/ha đất canh tác/ năm. Riêng vùng cây ăn trái nói chung và cây ăn trái ven sông Bé nói riêng có giá trị sản xuất đạt từ 500 triệu đồng trở lên tùy theo thời vụ và sự biến động của giá cả thị trường. Ngoài ra, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô lớn cũng là địa điểm thu hút khách tham quan đến học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Khai thác tiềm năng du lịch
Phú Giáo hiện có 34 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 400 phòng, trong đó có 6 cơ sở đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn.
Các điểm du lịch tiềm năng của huyện hiện có, như: Khu du lịch sinh thái Suối Rạc thuộc địa bàn xã An Bình, di tích cầu sông Bé, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên thuộc ấp Cây Khô, xã Tam Lập… Ngoài ra, huyện còn có 3 di tích cấp tỉnh là Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành (Nhà truyền thống hiện nay), cầu gãy Phước Hòa và chùa Bửu Phước (xã Phước Hòa). Tuy nhiên, trong thời gian qua, các điểm du lịch này chưa hoạt động ổn định. Khu du lịch Suối Rạc có dự án đầu tư khai thác đá, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, khu du lịch Hang Cọp đã được đầu tư và đã đi vào hoạt động nhưng sau đó tạm ngừng do ít khách đến tham quan… Theo UBND huyện Phú Giáo, huyện đã tổ chức khảo sát khu đất phát triển khu du lịch sinh thái Suối Rạc thuộc địa bàn xã An Bình và phương án thu hồi đất để đầu tư xây dựng quần thể khu di tích cầu sông Bé trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa.
Địa phương tiếp tục triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới, đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm xây dựng lĩnh vực nông nghiệp Phú Giáo phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao.
Huyện cũng liên kết với các công ty du lịch để thu hút du khách đến vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn; kết hợp nông nghiệp công nghệ cao với du lịch qua những dịch vụ như mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… Cùng với đó, địa phương sẽ xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái tại các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có gắn với việc khai thác du lịch trên lòng hồ Phước Hòa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét