Đang có nhiều kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021, dù khó khăn, thách thức vẫn còn không nhỏ.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Chí Cường
Thành tích “độc nhất vô nhị” trong khủng hoảng
Số liệu thống kê cuối cùng về tình hình kinh tế - xã hội 2020, vào thời điểm bài báo này lên khuôn, chưa chính thức được công bố, song “hồi phục nhanh hơn dự kiến” là điều có thể được khẳng định.
Có thể thấy điều đó thông qua việc cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vừa được công bố, WB đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là gần 2,8%.
Theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, tuy kết quả đó thấp hơn khoảng 4,2 điểm phần trăm so với thành tích những năm gần đây, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong “vùng tăng trưởng dương”, trong khi nền kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%. Tại khu vực Đông Á, chỉ có hai quốc gia khác, là Trung Quốc và Myanmar, dự kiến có tăng trưởng GDP dương trong năm nay.
ADB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 1,8% lên 2,3% nhờ đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng. Ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), định chế luôn có những dự báo rất thận trọng, thậm chí tới mức… khắt khe về kinh tế Việt Nam nói riêng, kinh tế thế giới nói chung, cũng đã nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 2,4%.
Sự điều chỉnh dự báo của đồng loạt các tổ chức này cho thấy một cách rõ ràng rằng, kinh tế Việt Nam đã “tốt” hơn so với dự báo. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để chặn đà suy giảm kinh tế, mà kinh tế Việt Nam đã có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác.
Đầu tuần trước, khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP. “Dự kiến, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,5-3%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
“Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp” là điều mà Chuyên gia kinh tế trưởng của WB đã nói. Còn TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tích “đáng khâm phục thực sự”. Nguyên do nằm ở nền tảng tăng trưởng “ổn” và vĩ mô ổn định vững chắc trong 3 năm 2017-2019, chứ không phải chỉ ở các giải pháp quyết liệt thực hiện trong năm 2020.
Kinh tế 2021 sẽ tăng tốc mạnh mẽ
Kinh tế 2020 tạm “ổn”, nên câu hỏi đặt ra là, kinh tế 2021 sẽ như thế nào? Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã “chốt” hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm tới, trong đó tăng trưởng GDP là khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%...
Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát gần như giữ nguyên trong một vài năm gần đây, thì mục tiêu tăng trưởng lại là một thách thức lớn. Tăng trưởng 6% có nghĩa, tốc độ tăng trưởng GDP của năm tới gần như gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng đạt được của năm nay.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế tiếp tục có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam. WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo. Tất nhiên, dự báo này được đưa ra dựa trên giả định rằng, khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát.
“Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và thảm họa thiên nhiên”, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đã nói như vậy.
Cũng theo bà Carolyn, Việt Nam sẽ có chiến lược mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo vào đầu năm tới, với trọng tâm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số… Với chiến lược này, nếu được quản lý tốt, thì Việt Nam sẽ vượt lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Mạnh mẽ” cũng là cụm từ được ông Jacques Morisset dùng để nói về cơ hội của kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Theo vị chuyên gia này, dù kinh tế thế giới còn diễn biến khó lường, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ “tăng tốc mạnh mẽ” và có thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Có một điều lạ, ADB lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 của Việt Nam. Tuy nhiên, con số vẫn là 6,1%, cao hơn cả mục tiêu mà Quốc hội quyết nghị và Chính phủ đặt ra. Còn IMF dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tăng trưởng GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%.
Tuy nhiên, dự báo vẫn chỉ là dự báo. Điều quan trọng là Việt Nam phải thực hiện những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra? Điều này chắc chắn sẽ được mổ xẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, diễn ra trong 2 ngày 28-29/12/2020. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng sẽ được tập trung thảo luận là Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội.
Nếu Nghị quyết số 01 được xây dựng trúng và đúng, lại được thực thi quyết liệt và hiệu quả ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, thì kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2021.
Nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề, do đó, Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ dự kiến nêu 11 nhóm giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2021. Cùng với đó là các phụ lục nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu, 87 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021. Đặc biệt, phụ lục số 4 trong Dự thảo nêu rõ 206 nhiệm vụ cụ thể, với cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá và mốc thời gian hoàn thành.
Năm 2021, Chính phủ tiếp tục quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Phương châm hành động của Chính phủ trong năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng là khát vọng, kỷ cương, đoàn kết và quyết liệt hành động, còn có thêm “đổi mới sáng tạo”. Đây chính là chìa khóa để tận dụng được các cơ hội trong những năm tới.
Võ Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét