Hãy tự làm “công chứng viên” khi mua nhà

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Theo điều 5 của Luật Công chứng (CC), công chứng viên (CCV) chỉ chứng nhận khi người tham gia hợp đồng là có thật, chữ ký trong hợp đồng là đúng chữ ký của người tham gia hợp đồng. Thế nhưng, có trường hợp người đã chết cũng… “đến” được Phòng CC  ký tên, lăn tay trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Những trường hợp khó hiểu
Cụ thể, ngày 10/9/2009, CCV Lê Văn Tươi (Trưởng phòng CC Tân Bình, TP.HCM) chứng nhận ông Phạm Văn Phận chuyển nhượng QSDĐ thửa đất tại xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP.HCM) cho bà Trần Thị Minh Hường. Sau đó, bà Hường mang hợp đồng CC đi sang tên và đăng bộ thì bị từ chối. Bà khiếu nại, thì ngày 4/1/2010, Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng Huỳnh Thanh Tú ký văn bản trả lời: ông Phận đã chết ngày 9/7/2007 (tức 26 tháng trước ngày CC). Chưa hết, số CMND ghi trong lời chứng là 023318260, nhưng số CMND của ông Phận thực tế là 021251350. Còn sổ đỏ của ông thì đã thế chấp ngân hàng.
Tiếp theo, ngày 25/9/2009, CCV Lê Văn Tươi chứng nhận ông Lê Văn Bận chuyển nhượng QSDĐ thửa đất tại xã Trung Lập Thượng cho bà Nguyễn Thị Minh Tuyết. Bà Tuyết cũng không được đăng bộ. Khiếu nại thì ngày 5/7/2010, chủ tịch Huỳnh Thanh Tú lại ra văn bản trả lời rằng: số CMND của ông Bận trong lời chứng khác với số CMND của ông Bận. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Bận cũng không trùng với số cấp và ngày cấp ghi trong sổ tư pháp; chữ ký của Phó chủ tịch UBND xã Lê Thanh Hùng và con dấu của UBND xã đều là giả. Ông Bận khai ông không hề đến Phòng CC Tân Bình ký tên bán đất cho bà Tuyết. Hiện công an xã đã chuyển hồ sơ này về công an huyện thụ lý.

CCV Lê Văn Tươi (x) tiếp PV Báo Phụ Nữ
Chưa hết, ngày 31/12/2009, CCV Lê Văn Tươi chứng nhận ông Nguyễn Văn Nhạt chuyển nhượng QSDĐ thửa đất tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi) cho bà Trương Thị Ngọc Lợi. Bà Lợi không được đăng bộ, bởi vì ngày 21/5/2008 ông Nhạt làm mất giấy chứng nhận QSDĐ này, UBND huyện Củ Chi đã ra quyết định hủy bỏ giấy chứng nhận bản chính và cấp lại phó bản cho ông Nhạt. Ông Nhạt cũng  không đến Phòng CC Tân Bình ký bán đất cho bà Lợi.
Ba nạn nhân trên đến Phòng CC Tân Bình đòi bồi thường thiệt hại do CC theo hồ sơ giả, nhưng họ chỉ được hướng dẫn đi tố cáo ba người bán lừa đảo. Bà Hường khởi kiện Phòng CC này, nhưng TAND Q.Tân Bình chưa thụ lý. Bà khiếu nại lên Sở Tư pháp cũng không được trả lời. Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Tươi trả lời: “Tôi CC đúng quy trình thủ tục, rất mong cơ quan điều tra làm rõ vì người bán có dấu hiệu lừa đảo. Tôi đã giải trình rõ ba vụ việc này lên Sở Tư pháp”. Bà Ngô Minh Hồng – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Thanh tra Sở mới báo cáo kết quả kiểm tra định kỳ Phòng CC Tân Bình, có kết hợp xem xét các đơn khiếu nại này, Ban Giám đốc Sở chưa kết luận chính thức.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là trong cả ba trường hợp nêu ở phần đầu của bài viết này, tại sao CCV Lê Văn Tươi lại không  phát hiện được ba bộ hồ sơ nói trên là giả? Vậy ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân khi CCV để lọt lưới như vậy?
Giấy đỏ thật vẫn chưa chắc ăn
Tháng 11/2009, bà Lương Thị Mốt đem giấy đỏ đến UBND xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, Tp.HCM xin sao y. Tại quầy nộp hồ sơ, kẻ gian trà trộn rút giấy đỏ của bà. Kẻ gian tên Danh làm CMND giả mang tên bà Mốt, rồi dán hình giả vào, đem sổ đỏ của bà Mốt đến PCC số 6 CC để bán cho bà Trần Thúy Hương.
Một trường hợp khác: Đào Văn Minh lấy giấy chủ quyền căn nhà 114 Bùi Viện, Q.1, Tp.HCM của ông ngoại mình bán cho bà Nguyễn Thị Yến Mai. Minh chi 2,5 triệu đồng cho “cò” CC tên Điệp và ngồi tại quán cà phê đối diện PCC số 7, chờ cán bộ PCC ra quán lăn tay Minh và vợ chồng bà Mai. Sau đó, Điệp vào PCC mang hợp đồng – do công chứng viên (CCV) Nguyễn Mạnh Cường ký, ra giao cho bà Mai. Đào Văn Minh bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng CCV Cường lại vô can.
Ngoài sự tắc trách của CCV, kẻ lấy cắp giấy đỏ bán dễ dàng còn do thủ tục cấp phó bản có sơ hở. Theo đó, người làm mất giấy đỏ phải báo mất tại Công an phường (xã) và làm đơn xin cấp phó bản tại Phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT). Sau khi niêm yết tại phòng và đăng bố cáo cớ mất trên báo trong 30 ngày, UBND quận, huyện ra quyết định hủy giấy đỏ chính và cấp phó bản. Nhưng, CCV không lưu bố cáo nên không biết giấy đỏ của người lấy cắp đã có quyết định hủy bỏ.
Người mua cần kiểm tra kỹ
Chúng tôi gặp một số quan chức ngành tư pháp xin lời khuyên để người mua BĐS không bị lừa khi ra CC, nhưng chỉ được trả lời chung chung: không mua qua cò, gặp trực tiếp người bán và thấy tận mắt BĐS. Chủ một doanh nghiệp môi giới BĐS ở Phú Mỹ Hưng cho biết, mua BĐS phải thông qua “cò” là bình thường, nhưng người mua phải gặp người bán để xem bản chính giấy đỏ (đất), giấy hồng (nhà và đất). Nếu giấy đứng tên người đã mất, hoặc đứng tên người bán nhưng vợ hoặc chồng họ đã mất, thì phải xem hộ khẩu có bao nhiêu thừa kế, và yêu cầu tất cả thừa kế làm giấy ủy quyền cho người bán đại diện. Đặc biệt, nếu người đứng tên định cư ở nước ngoài thủ tục vô cùng rắc rối.
Nếu giấy đỏ, giấy hồng được cấp từ tháng 10/2003 trở về trước (áp dụng họa đồ năm 1999), phải yêu cầu người bán thuê đo đạc lại nhà đất, vì họa đồ mới hầu hết bị lệch ranh giới và diện tích so với họa đồ cũ. Sau đó, người mua đến Phòng TN – MT xem BĐS đó có mất giấy và được cấp lại phó bản không; có thế chấp ngân hàng, có nằm trong vùng quy hoạch, giải tỏa, có bị ngăn chặn mua bán do bị tranh chấp không? Chú ý, đừng chỉ dựa vào xác nhận của cán bộ địa chính phường, xã, vì họ không nắm đủ thông tin.
Khi đặt cọc, người mua phải giữ bản chính giấy đỏ, giấy hồng. Khi hợp đồng mua bán được CC, người mua phải giữ lại 10% giá mua. Đến khi người mua được quận, huyện cho đăng bộ và được đổi giấy mới thì hãy trả hết tiền. Tóm lại, người mua phải tự làm CCV để không bị lừa ngay tại PCC!
Việc làm giả hồ sơ CC qua mặt CCV từng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Ngày 12/4/2010, CCV Nguyễn Minh Hải – Trưởng Văn phòng CC Việt Tín (Hà Nội) nhảy cầu Thăng Long tự tử, vì ông CC đến 200 hợp đồng ủy quyền bất động sản với hồ sơ hoàn toàn giả. Trước đó, Hà Thùy Linh (31 tuổi) đã làm nhiều bộ hồ sơ giả mang đến cho ông Hải CC, rồi dùng hợp đồng này đi lừa đảo hàng chục tỷ đồng của nhiều người và bỏ trốn.
Tháng 4/2010, CCV Hoàng Xuân Ngụ (Phòng CC số 4), nhận hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, của bà Nguyễn Thị P. Dùng kính lúp soi, ông Ngụ thấy màu mực trong các văn bản khác lạ, bèn khuyên bên mua đi xác minh. Kết quả, UBND xã Tân Hiệp xác nhận không hề cấp các loại giấy tờ trên. Công an tạm giữ người bán đất để điều tra. Theo ông Ngụ, chỉ có giấy đỏ mang tên bà P. là thật, nhưng nó lọt vào tay người khác và người này làm giả các giấy tờ mang tên bà P. để lừa bán mảnh đất trên.
(Theo Phunuonline)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét