Vì sao giới nhà giàu đang có xu hướng bán vàng, ngoại tệ đổ tiền vào bất động sản?

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

 Tại Việt Nam, những nhóm đối tượng có tài sản tích luỹ dưới dạng vàng, ngoại tệ thì nhu cầu chuyển hoá các loại tài sản trên sang hình thức BĐS luôn cao.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức do đại dịch Covid-19 tác động lên cả nền kinh tế, tuy nhiên, thị trường BĐS không những trụ vững ấn tượng mà còn phát triển khá tốt ở một số phân khúc. TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam đã có những chia sẻ chi tiết về tình hình hoạt động chung của các phân khúc BĐS tại Việt Nam trong 2020, và đánh giá về kịch bản của 2021.

Nhà đầu tư đổ dồn tiền vào bất động sản nhà ở

Với phân khúc BĐS Nhà ở, tình hình hoạt động của các chủ đầu tư và việc ra mắt các dự án nhà ở mới vẫn diễn ra tương đối đều đặn. Điều này có thể giải thích là do đối với những nhóm đối tượng tại Việt Nam có tài sản tích luỹ dưới dạng vàng, ngoại tệ thì nhu cầu chuyển hoá các loại tài sản trên sang hình thức BĐS luôn cao. Điều này cũng luôn đúng với các nhà đầu tư, tổ chức trên thế giới, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chính trị bất ổn hoặc chiến tranh, dịch bệnh kéo theo bất ổn xã hội tác động lên tất cả các mặt của xã hội, thì ngay lập tức họ sẽ đưa dòng tiền của mình sang kênh trú ẩn an toàn, trong đó có bất động sản. 

Mặt khác, càng thiếu hụt những dự án ở mức trung bình, trung cao thì nhu cầu đầu tư vào các dự án đất nền, nhà phố, biệt thự và căn hộ chung cư càng lớn. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, họ vẫn đi mua những nhà phố, nhà lẻ, đây chính là cách mà họ đầu tư tiền. Như vậy, đối với các nhà phát triển BĐS khó khăn ở đây không phải là thị trường không có nguồn cầu, mà là các thủ tục pháp lý, Từ những yếu tố trên, mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, và thị trường nói chung vẫn giữ ở mức ổn định.

BĐS công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Với phân khúc bất động sản công nghiệp, nguồn lực chính vẫn là các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài giống như một điểm kích ở trung tâm thị trường, vì bản thân của các doanh nghiệp BĐS trong nước cũng có thể đầu tư và phát triển. BĐS công nghiệp có liên quan mật thiết tới hoạt động xuất nhập khẩu. Trong thời gian vừa qua, tuy có khó khăn nhưng xuất khẩu vẫn đạt được những nguồn thu ngoại tệ rất lớn, Nhờ vào việc được hưởng lợi từ liên tiếp các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, và mới đây nhất là UKVFTA, dòng hàng hoá, sản phẩm sẽ đổ nhập khẩu về Việt Nam rất lớn trong những năm tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề tiền tệ, cụ thể là việc điều hành lãi suất thương mại, tiền gửi ngân hàng hiện nay ở mức khoảng 5-6%, nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao để tránh tình trạng đầu cơ, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn có thể xoay sở vốn bằng nhiều cách khác nhau, đây chính là một trong những điểm cộng cho thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2020. 

BĐS công nghiệp cũng là một điểm nóng của thị trường. Nhưng các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện tại Chính phủ VN đang kiểm soát rất chặt chẽ các chuyến bay quốc tế. Đây là thời điểm để tìm hướng đi tốt nhất cho 1-2 năm tới, Chính phủ VN và các nhà đầu tư công nghiệp cần phải cấu trúc lại những sản phẩm, giải pháp cũng như dây chuyền khép kín và chuỗi cung ứng để hoàn hiện mình, vì khi thị trường hồi phục, khi tình hình chung của thế giới biến chuyển tốt hơn, thì các chủ đầu tư phát triển BĐS công nghiệp đã hoàn toàn có thể sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng,... để thu hút các nhà đầu tư.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhìn lại BĐS công nghiệp trong 1-2 năm vừa qua. Cần có những bài toán cụ thể hơn, giải pháp đồng bộ hơn về cung ứng, cơ sở hạ tầng, kho vận để BĐS công nghiệp trở nên nóng hơn nữa. Đó là bài toán mà các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương, công an Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu cần xem lại để ta có thể sẳn sàng khi thị trường hồi phục- TS Khương chia sẻ.

Cơ hội M&A lớn trên thị trường

Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhấn mạnh "Đến năm 2021, nếu dịch bệnh vẫn kéo dài thì đối với những dự án đang triển khai vẫn có thể hoàn thiện các thủ tục, đối với các tài sản đang tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cũng không cần phải bán đi, vì các nhà đầu tư tính toán được những thách thức hiện tại trên thị trường chỉ là nhất thời, trong vòng 1-2 năm và họ có thể xử lý được các vấn đề về tài chính đồng thời giữ vững kỳ vọng vào năm 2022, 2023. 

Điểm tích cực chính là những sản phẩm này không nhiều trên thị trường, nếu các chủ đầu tư buộc phải bán các BĐS này đi thì vẫn có cơ hội để mua lại những sản phẩm như vậy. Đối với các nhà đầu tư thì các khách sạn năm sao, trung tâm thương mại, những cao ốc hạng A ở trung tâm thành phố, là những BĐS có nguồn thu đều. Mặc dù biên độ lợi nhuận của họ có thể không cao, chỉ ở mức 6-7%/năm, nhưng khi nắm giữ một thời gian dài để chuyển nhượng thì lợi nhuận thu được sẽ rất lớn. Đó là lý do tại sao Việt Nam vẫn là thị trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài."

Khó khăn về pháp lý vẫn là rào cản

Về mặt khó khăn, các nhà đầu tư BĐS sẽ phải nhìn tới những vướng mắc về pháp lý, đặc biệt tại các đô thị lớn. TS Khương cho biết thêm: "Đối với các tài sản tạo ra dòng tiền thì các nhà đầu tư nên chú ý đến chi phí tài chính, tỷ suất sinh lợi hàng năm trong khoảng 6-7 năm gần nhất và chỉ số vốn khi chuyển nhượng. Theo tôi, đây sẽ là một cơ hội cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường, do dịch bệnh sẽ không thể kéo dài. Nhìn lại trong quá khứ, các dịch bệnh có thể gây thiệt hại rất lớn về mọi mặt con người, vật chất, nhưng chỉ kéo dài trong khoảng 2-3 năm là tối đa. Vì thế giới luôn có những biện pháp phòng chống như vacxin phòng bệnh,... 

Một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng tiêm vacxin phòng chống dịch cho người dân. Việt Nam cũng đã thử nghiệm vacxin lâm sàn trên 60 người và không có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện sau 72h. Đây là điểm tích cực khi Việt Nam đã khống chế dịch bệnh bằng nguồn lực của mình, ngay khi cả thế giới đang còn gặp khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh. 

Mặc dù việc phòng chống triệt để như tiêm ngừa vacxin đại trà còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ số lượng đáp ứng cho người dân VN, nhưng đây vẫn là nơi an toàn nhất ở thời điểm này. Các chuyên gia hiện đang công tác tại VN cảm thấy rất là may mắn thay vì các nước trên thế giới đang phải chống chọi lại với dịch bệnh, đặc biệt là UK và 40 nước trên thế giới đang phải cấm việc di chuyển giữa các nước. Trong ngắn hạn, chúng ta đã có những lợi thế cả về mặt tinh thần, con người, về thị trường, trong nền kinh tế nói chung và BĐS nói riêng.

Doanh nghiệp BĐS tìm kiếm cơ hội bứt phá

Năm 2021 thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Đối với thị trường BĐS nói chung, thị trường Nhà Ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng, và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020. Mặt khác, đối với thị trường BĐS văn phòng, Trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra. 

TS Khương dự đoán "Thay vì bi quan, tôi có lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản là hãy xem những khó khăn trước mắt như là một điểm để bắt đầu tạo ra các tiền đề cho tương lai. Khi đầu tư vào các cao ốc, văn phòng, TTTM, khách sạn dịch vụ, thông thường thời gian hoàn vốn là trong 10 năm, nên 1-2 năm khó khăn không phải là một vấn đề quá lớn. Nhưng đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì sẽ rất khó khăn trong việc duy trì. Hiện tại các khách sạn, trung tâm thương mại trên thị trường Việt Nam thường hầu hết đã hoạt động được 5-7 năm, vậy nó đã có được dòng tiền tích lũy."

Thị trường BĐS 2021 sẽ đón những "làn gió mới"

Để tạo tiền đề và sức bật mạnh mẽ cho lĩnh vực BĐS có thể bứt phá trong năm 2021, TS Sử Ngọc Khương cho rằng "Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 này, tôi nghĩ rằng những thành viên mới trong ban Chính Phủ sẽ đẩy một làn gió mới cho lĩnh vực BĐS nói riêng và cho nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, 2 đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cần những đột phá và chắc chắn rằng những người đắc cử nhiệm kì này sẽ thể hiện đúng vai trò của họ đối với những khó khăn hiện nay và đặc biệt trong TP HCM. 

Vừa qua, chúng ta đã có những đột phá như thành phố trong thành phố, ở Hà Nội thì có những chính sách về cơ sở hạ tầng và giao thông. Do đó, đây là một thách thức cho những người đảm nhận nhiệm kì sắp tới, vì nếu không thì lĩnh vực BĐS sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác. 

Về chính sách tài khóa, tiền tệ, tôi nghĩ rằng trong 10 năm vừa qua chúng ta đã làm rất tốt từ 2011 khi lãi suất điều đình từ 12% lên 20%, khu vực tín dụng BĐS là từ 20 đến 35%, lãi suất ngân hàng hiện cũng đang được kiểm soát rất tốt. Bên cạnh đó, các chỉ số như tỷ giá hối đoái cũng cần được quan tâm tuy nó không tác động lớn đến lĩnh vực BĐS, nhưng ở các ngành nghề sản xuất và dịch vụ, kinh doanh thì chỉ số này sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề về đầu tư. Về mặt điều hành, chúng ta đã đưa ra các chính sách tốt về tài khoá, tiền tệ, vấn đề còn lại chính là thực thi các dự án về sản xuất dịch vụ công nghiệp. BĐS là một nhóm ngành lớn liên quan rất nhiều đến các ngành còn lại nên chúng ta cần xử lý thoả đáng các vấn đề về pháp lý."

Lời khuyên cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương cũng đồng thời đưa ra lời khuyên trong chiến lược kinh doanh đối với các đơn vị tham gia trong lĩnh vực BĐS để đạt hiệu quả kinh doanh trong năm 2021. Đối với các doanh nghiệp BĐS, ông cho rằng tùy theo loại hình BĐS sẽ có chiến lược khác nhau. Đối với doanh nghiệp BĐS nhà ở, mục tiêu năm 2021 là tạo ra sản phẩm, vì nếu không có sản phẩm thì sẽ không có nguồn thu.

Đối với BĐS Thương mại, văn phòng, các doanh nghiệp cần cân đối lại khách hàng mục tiêu, cân đối doanh thu và chi phí, vì những văn phòng do giá cả mà bị bỏ trống thì ta nên cân đối lại nguồn thu dựa trên ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo có thể tồn tại qua những giai đoạn khó khăn. Còn đối với BĐS công nghiệp, cần có tầm nhìn vĩ mô, chúng ta có những lợi thế từ cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Hoa kỳ và Trung quốc, từ các hiệp định của châu Âu, những việc này sẽ có tác động rất lớn đến khu vực BĐS.

Còn với nhóm đầu tư cá nhân, tuỳ theo kỳ vọng từ 1-2 năm có lời thì với bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư ta nên hạn chế sử dụng đòn bẫy tài chính. TS Khương cho biết thêm "Ngoài ra, câu chuyện BĐS Nhà ở luôn là câu chuyện mà mọi người quan tâm nên thủ tục pháp lý là cái phải luôn lưu ý. Cuối cùng là việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà mình đưa ra thì phải dựa trên các yếu tố như tính thanh khoản, giá trị gia tăng và quản trị rủi ro vì đây là ba yếu tố quan trọng khi chúng ta đầu tư vào một dự án."


Võ Phương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét